Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Kêu gọi ăn năn sám hối

TIN MỪNG: Mt 4, 12-23
Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
SUY NIỆM
“LỜI RAO GIẢNG ĐẦU TIÊN”
Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ miền duyên hải thành Caphanaum (miền Galilea). Bắt đầu từ miền Galilea chứ không phải từ Giêrusalem. Chúa Giêsu không chọn Giuđêa làm khởi điểm truyền giáo, dù Giuđêa có Giêrusalem giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tôn giáo, nơi có đền thờ và có tư tế; mà Ngài lại chọn Galilea, là nơi đời sống xã hội phức tạp, đa tạp dân sinh và đa tôn giáo. Điều này để nói lên tính phổ quát của việc rao giảng Tin Mừng, đồng thời nói lên việc Chúa không chọn nơi mà tưởng chừng như được “ưu tiên” vì có đền thờ, có các đấng bậc và có “người có đạo”.
Kế đến, Chúa gọi và chọn những cộng sự đầu tiên, cũng nói lên tính phổ quát của ơn gọi, Chúa không phân biệt xuất xứ sang hèn hay trình độ, nhưng điều quan trọng là dám bỏ tất cả để theo Người
1. Lời rao giảng đầu tiên (Κήρυγμα)
Bởi vì sứ điệp của Ngài rao giảng là: “Hãy sám hối…”. Ngài đi tìm con chiên lạc trước chứ không phải tìm 99 con chiên tuy không lạc nhưng lại không ở với chủ. Ngài ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối. Ngài nên Ánh Sáng cho những dân đang ngồi trong bóng tối nhưng qua ánh sao lạ đã tìm đến với Ngài, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Ngài. Ngài đến với những nơi mà người ta đem đến cho Ngài đủ thứ bệnh tật để được Ngài chữa lành, hơn là đến với những kẻ tìm đến với Ngài để tìm cách bắt bẻ, gài bẫy và ghanh tị…
Lời rao giảng: “Hãy sám hối”. Đây là sứ điệp chung mà người rao giảng Tin Mừng cần phải sống và loan báo. bắt đầu từ lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô, qua Chúa Giêsu và đến các Tông Đồ… và trở thành tiên quyết cho việc thụ lãnh các Bí Tích sau này.
Sám hối để nhận ra mình sai mà quay về, sám hối để rũ bỏ tất cả để được Chúa ngự vào…
Sứ điệp đầu tiên và điều kiện để đón nhận Tin Mừng chính là “Sám Hối”, mà Chúa Giêsu (dù vô tội) đã nêu gương cho chúng ta, khi để Gioan làm phép rửa, đã minh chứng cho lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là: “Hãy sám hối”.
Thật vậy, chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng.
2. Ơn gọi kế thừa Lời rao giảng.
Với sự khẩn thiết của việc rao giảng Chúa Giêsu chọn gọi một số cộng sự, bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu hình ảnh những Tông Đồ đầu tiên.
Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.
Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do Thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, Theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.
“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Như vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.
“Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa”. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian để mang Tin Mừng đến cho mọi người, để những ai sám hối và tin nhận Tin Mừng sẽ được ơn cứu độ. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho thế giới bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét