Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Hành trình Emmau

                                                     TIN MỪNG: Lc 24,13-35
Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."
Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Hãy đi loan báo Tin Mừng

                                           TIN MỪNG: Ga 20,11-18
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! " Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy"). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"." Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
II. SUY NIỆM
Hai giác quan giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin là thị giác và thính giác (mắt và tai). Mắt và tai tiếp nhận rồi truyền vào tri thức và trái tim để biện phân và đặc biệt là giúp hồi tưởng về ký ức.
Hai sự tiếp nhận này có phần không giống nhau giữa hai phái nam và nữ, vì như người ta thường nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Đàn ông thường yêu bằng cái nhìn về bạn đời, nhưng phụ nữ lại thích nghe những lời nói yêu thương hơn…
Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; còn chị em thì nghe Thầy gọi tên thật thân thương là nhận ra ngay và ôm lấy chân Thầy.
Tin Mừng hôm nay kể chuyện cô Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”
Có thể nói, tình yêu của cô Maria Mácđala mà văn chương Gioan xây dựng có một mức độ vượt trên tình cảm thông thường, gần như là một tình yêu “phái tính” khi Maria Mácđala thầm yêu Chúa như là Đấng lang quân của của cô.
Như trong sách Diễm Ca diễn tả: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8). Khi người ta đã từng đồng hành với nhau hay là yêu mến nhau, thì ngay cả việc không thấy, nhưng ngồi nghe tiếng chân bước hay tiếng thở… cũng đủ giúp nhận ra nhau. Một người mẹ già bị mù, nhưng người con của bà từ xa về chưa kịp đến gần bà thì bà đã nhận ra bởi tiếng nói, cử chỉ… đã ăn sâu trong ký ức của bà, nhất là đứa con lại là đối tượng yêu quý nhất của bà.
Từ việc nghe đã tác động lên ký ức giúp hồi tưởng lại, Maria Mácđala đã cảm nhận được tiếng nói của Thầy những lần ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, và được nghe Chúa gọi tên nhiều lần trong những tháng ngày theo Chúa. Giờ đây, dù lúc đau thương không còn đủ tỉnh táo, mắt thể lý bị hoen mờ vì khóc qua nhiều, nhưng tiếng nói đầy yêu thương của Thầy thì Maria Mácđala không thể lầm vào đâu được.
Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng - làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.
Nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Hôm nay Maria Mácđala là một bằng chứng cho sự yêu mến đó, và cô đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn.

Sự Thật

                                     TIN MỪNG: Mt 28, 8-15
Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."
Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện giả dối dùng tiền để mua chuộc, lấp liếm thông tin và xuyên tạc sự thật của giới chức Do-thái giáo về sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Câu chuyện được bắt đầu từ khi các lính canh của tổng trấn Philatô mà nhóm cầm quyền tôn giáo xin cho canh mộ đã hốt hoảng và kinh khiếp chạy về báo tin về sự kiện xảy ra nơi mộ Chúa Giêsu.
Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật, bịa đặt ra một câu chuyện mà khi nghe làm cho người đời sau thấy thật vụng về, thiếu lôgic và phi lý, bởi vì:
- Lúc chúng tôi ngủ: Lính canh đêm mà lại đi ngủ?
- Thì môn đệ đến lấy trộm xác: ngủ mà thấy được môn đệ đến trộm xác, mà biết thế sao không bắt?
- Mộ được niêm phong bởi ấn tổng trấn và thượng tế, sao những môn đệ nhút nhát khi Chúa bị bắt đã bỏ chạy hoặc chối đây đẩy lại đến ăn trộm dễ dàng vậy? Lại còn đủ thời giờ cuộn khăn liệm ngăn nắp và xếp ngay ngắn khăn che đầu để riêng ra?
- Lại nữa, nếu biết các môn đệ đã ăn trộm, sao không điều tra để tránh tin đồn thất thiệt
Vân vân và vân vân…
Có lẽ cũng có người cho rằng, nếu Chúa Giêsu sống lại, sao Người không trở lại cuộc sống và giảng dạy như trước? Như vậy thì các chức sắc Do-thái có bịt mối được mãi không?
Chúng ta cần hiểu rằng, Phục Sinh không phải là hồi sinh, nghĩa là không trở về đời sống cũ như Lazarô hay là con trai bà góa làng Naim mà là bước vào một cách thế hiện hữu và hiện diện mới.
Hồi sinh tức là trở lại cuộc sống cũ như trước và cũng theo luật sinh lão bệnh tử, nghĩa là lại chết như mọi người.
Còn Phục Sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Chúa Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau nhưng khi các môn đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể là vừa gặp Chúa.
Trở lại với sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do-thái giáo mà bài Tin Mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ảnh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn.
Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo.
Đặc biệt những người Kitô hữu và những người dám sống thật thường luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
Tuy nhiên cũng có người vì đồng tiền và quyền lợi mà sẵn sàng chối bỏ sự thật và làm chứng gian…
Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không thể mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
Noi guơng các môn đệ, chúng ta chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện. Ngược lại, nếu chúng ta cũng như những tên lính xưa, vì quyền lợi và tiền của mà chối bỏ sự thật hoặc che giấu nó, thì thật nguy hại cho đời sống đức tin biết chừng nào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một niềm xác tín rằng Chúa đã Phục Sinh, để chúng con dám đối diện với bất công, dối trá, và không ngại làm chứng cho Sự Thật. 

Phục sinh

                                                     CHÚA NHẬT PHỤC SINH.
 TIN MỪNG: Ga 20,1-9
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."
Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
SUY NIỆM
“NIỀM TIN TỪ NGÔI MỘ TRỐNG”
Bài Tin Mừng Gioan tường thuật khá chi tiết về hiện tượng Ngôi Mộ Trống, cùng với thời gian, sự kiện và các nhân chứng.
+ Trước hết, về thời gian: Biến cố bà Maria Mác-đa-la phát hiện ra ngôi mộ trống và chạy đi báo tin cho hai môn đệ Chúa Giê-su vào lúc “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Chính cột mốc thời gian này mà truyền thống Ki-tô Giáo đã chọn ngày Chúa Nhật (ngày thứ nhất) làm ngày Lễ Nghỉ, là “Ngày Thiên Chúa Nghỉ Ngơi” là “Ngày của Chúa” (Dies Domini). Điều này ám chỉ và thay thế cho ngày Sabat của đạo Do-thái, Người Do-thái chọn ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa hoàn tất cuộc sáng tạo và Người nghỉ ngơi. Khi chọn ngày Chúa Nhật làm ngày nghỉ, ngày đầu tuần, Ki-tô hữu tuyên xưng Chúa Giê-su hoàn tất công cuộc Tân Sáng Tạo (sáng tạo mới), hoàn tất công cuộc cứu độ và đưa Dân Mới “vượt qua” ngày thứ bảy của lề luật cũ để bước vào một kỷ nguyên mới của Ơn Cứu Độ.
+ Về sự kiện: Sự lạ lùng đầu tiên đó là tảng đá lớn đã lăn ra khỏi mộ; sự kiện lạ lùng kế tiếp là các khăn liệm và khăn che đầu thi hài được cuộn xếp ngăn nắp; và cuối cùng là chuyện các lính canh bỏ mộ mà trốn rồi nhận tiền “bịt mối” và nói dối.
- Chúng ta có thể đưa ra giả thiết, nếu Chúa Giê-su không sống lại, thì ai cả gan đến cả đêm và đủ sức lăn được phiến đá lớn kia, trong khi lính canh căn phòng cẩn mật, nhất là người cạy tảng đá phạm vào ba tội: tội phá hoại, tội ăn trộm và tội làm việc trong ngày nghỉ đáng bị ném đá chết. Trong khi đó, mộ phần này chỉ chôn một con người Giê-su rất nghèo không có tài sản gì chôn theo để mà trộm.
- Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật, bịa đặt ra một câu chuyện mà khi nghe làm cho người đời sau thấy thật vụng về, thiếu lôgic và phi lý, bởi vì:
Lúc chúng tôi ngủ: Lính canh đêm mà lại đi ngủ?
Môn đệ đến lấy trộm xác: ngủ mà thấy được môn đệ đến trộm xác, mà biết thế sao không bắt?
- Mộ được niêm phong bởi ấn tổng trấn và thượng tế, làm sao tưởng tượng ra những môn đệ nhút nhát khi Chúa bị bắt đã bỏ chạy hoặc chối đây đẩy rồi giam mình trốn trong Nhà Tiệc Ly vì sợ, lại dám đến ăn trộm dễ dàng vậy? Lại còn đủ thời giờ cuộn khăn liệm ngăn nắp và xếp ngay ngắn khăn che đầu để riêng ra?
- Lại nữa, nếu biết các môn đệ đã ăn trộm, sao không điều tra để tránh tin đồn thất thiệt…
Vân vân và vân vân…
Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không thể mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục Sinh vẫn được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
+ Về nhân chứng: Có lẽ đây là điều quan trọng hơn mà Tin Mừng Gioan cố ý nhắm tới:
Vẫn biết khi sống lại, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc không gian và thời gian, nên Chúa Giê-su xuất hiện từng thời điểm và từng đối tượng mà Người muốn. Chúa Giê-su hiện ra với bất kỳ ai, trong đó Tin Mừng đặc biệt nhắm tới bà Maria Mác-đa-la “vì bà đã yêu mến nhiều”.
Tuy nhiên, đối với người Do-thái và xã hội lúc bấy giờ, thì người phụ nữ là không đáng tin và lời chứng của họ kém giá trị, nên Tin Mừng Gioan liền sau đó phải kể đến hai vị Tông Đồ.
Vấn đề là ở chỗ, chữ “môn đệ được Chúa Giê-su thương mến” vẫn mãi là một biểu tượng (vì chưa một lần trong Tin Mừng dám khẳng định đó là Gioan), nhưng chữ “môn đệ được Chúa yêu” thường được hiểu đó là hình ảnh của Hội Thánh.
Thế nhưng, Hội Thánh sơ khai đứng trước ngôi mộ trống không và chưa dám vào, mà vẫn phải đợi Phê-rô (vị tông đồ trưởng đến) và rồi “Hội Thánh sơ khai” kia mới vào, trông thấy và tin. Đó là biểu trưng của một sự xác nhận: Hội Thánh nói chung không dễ tin trước những sự kiện, nhưng cần một sự xác nhận từ vị được Chúa đặt làm đứng đầu cai trị Hội Thánh. Thật vậy, cho đến nay Hội Thánh vẫn chỉ tin vào những điều được tuyên bố từ Tông Tòa, và đặc biệt tránh tuyên truyền từ ‘cửa sau” không qua Hội Thánh, cẩn trọng trước những thứ gọi là “tự tuyên bố mạc khải” và những cái gọi là “sứ điệp từ trời” do những kẻ tự xưng bày ra…
Như vậy, trong Thánh Lễ Chính Ngày mừng Chúa Phục Sinh, SỨ ĐIỆP Tin Mừng dành cho chúng ta là:
- Sống ngày Chúa Nhật -ngày của Chúa- trong một tinh thần mới, một sự đổi mới thực sự trong sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.
- Dám chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện, dù có bị người đời dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
- Không dễ dàng bạ đâu cũng tin, tránh xa những thứ tin đồn hay sứ điệp này nọ không do Giáo Hội công bố, nhưng chỉ tin những gì Hội Thánh nhân danh Chúa mà truyền dạy từ tong tòa qua Đấng Bản Quyền giáo phận và các cộng sự của ngài là các linh mục coi sóc linh hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ.

Niềm tin yêu mến

                                            TIN MỪNG: Mc 16,1-8
Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? " Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông." Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
II. SUY NIỆM
"TÌNH YÊU CHO TA LÒNG CAN ĐẢM"
Trình thuật của thánh sử Matthêu về biến cố Chúa Giêsu sống lại hiện ra với mấy chị em phụ nữ, là những người thuộc phái yếu thường là yếu bóng vía. Điều này càng củng cố hơn niềm tin của chúng ta.
Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã làm cho các chị em vượt qua cảm giác sợ ma và sợ lính canh mộ, các chị em đã đi ra mồ từ mờ sáng. Có lẽ vì bấy lâu nay, các chị em đi theo Chúa và luôn có Chúa hiện diện, nay hai ngày trôi qua vắng bóng Thầy, nhất là ngày hôm trước bị luật Sabát cấm, các chị em cồn cào mong đợi qua thời gian Sabát để chạy ra viếng mộ Thầy. Và nhờ sự khao khát đó, Chúa Giêsu đã tưởng thưởng cho các chị em như là những chứng nhân đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh.
Các chị em được lệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên lại là loan báo cho mấy ông môn đệ, những người thuộc phái mạnh, nhưng đã sợ hãi bỏ trốn, để cho những phụ nữ theo Chúa xa xa than khóc suốt đường thập giá cho đến khi lên đến đỉnh đồi Golgotha.
Có một chi tiết rất hay ở đây: Ngày xưa, khi nhìn thấy trái cấm, Eva đã đem đến cho Ađam ăn và cả hai mang lấy án chết cho cả loài người; thì nay, các chị em phụ nữ đem “quả trường sinh” là Đấng Phục Sinh đến cho các ông, để cùng bước vào cuộc sống mới. một cuộc Tân Sáng Tạo bắt đầu, dân mới của Thiên Chúa ra đời.
Như vậy, trong trình thuật đầu tiên về cuộc sống lại này, chúng ta có những bằng chứng để xác tín niềm tin:
- Các chị em phụ nữ đã vì lòng yêu mến mà vượt qua mọi sợ hãi để đến viếng mộ, chính quyền năng Đấng Phục Sinh đã ban cho các chị em sức mạnh vượt qua mọi sợ hãi.
- Thiên thần hiện ra, lăn tảng đá ra, dù tảng đá đã được niêm phong bởi ấn của tổng trấn và thượng tế; lính canh khiếp sợ ngất xỉu, còn các chị em phụ nữ lại được phúc chứng kiến toàn bộ sự việc và được thiên thần xác nhận Chúa đã phục sinh.
- Chúa Giêsu còn đón gặp và chào các chị em, các chị em đã ôm lấy chân Thầy, ôm lấy thân xác phục sinh thực sự.
Và trong bất cứ cuộc hiện ra nào, Chúa Giêsu cũng luôn mở đầu bằng câu: “Đừng sợ”. Phải, khi đã tin vào Đấng Phục Sinh và yêu mến Người thì không còn gì phải sợ nữa, kể cả sự chết cũng không thể làm cho người tin yêu Chúa sợ được. Cụ thể là hôm nay, các chị em là những người dễ yếu bóng vía nhất đã can đảm lạ thường, và sau đó là các môn đệ từ những kẻ nhút nhát chạy trốn, đã trở nên hăng hái đi loan báo Tin Mừng và dám chết vì Đấng đã Phục Sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khát khao yêu mến để chúng con gặp được Đấng Phục Sinh; xin cũng ban cho chúng con niềm tin sắt đá vào Chúa Phục Sinh, để chúng con can đem niềm vui Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Chúa

Tìm Chúa

                                          Tin Mừng Mt 28,1-10
Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Đây Ta đã báo trước cho các bà hay".
Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta". 

Suy niệm:  Đấng Cứu độ đã chịu khổ hình thập giá và được mai táng trong mồ, để từ cõi chết sống lại và giải thoát loài người khỏi chết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô là Đấng cứu thế, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu hiện diện khi Chúa chết trên thập giá và được mai táng trong mồ, xin cho chúng con mỗi khi gặp thử thách gian truân, cũng biết chia sẻ những cực hình Chúa đã chịu.
Chúa như hạt lúa gieo vào lòng đất đã đem lại sự sống là hoa trái muôn đời, xin cho chúng con biết từ bỏ tội lỗi để chỉ còn sống cho Thiên Chúa mà thôi.
Chúa đã chịu mai táng trong mồ, xin dạy con biết sống âm thầm trong tình thương của Chúa.
Chúa là Ađam mới đã xuống tận âm phủ giải thoát những người công chính bị giam cầm, xin cho những ai bị chôn vùi trong tội lỗi, biết nghe tiếng Chúa và được cứu sống.

Chúa là Con Chúa Trời Hằng sống, đã cho chúng con được chết với Chúa qua Bí tích Thánh tẩy, xin cho chúng con được sống lại với Chúa, để tiến lên trong cuộc đời mới. 

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Phản bội

                                                         TIN MỪNG: Mt 26,14-25
Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? " Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? " Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! " Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? " Người trả lời: "Chính anh nói đó!"
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật trình tự về những toan tính của Giuđa lên kế hoạch nộp Thầy Giêsu cho nhà cầm quyền Do-thái. Kế hoạch được tính toán bài bản, như là một liên kết dây chuyền về tội: Từ tham tiền nên tìm mọi cách để kiếm tiền vàlàm cả những tội tày đình nhất, mất cả tình cảm và lương tri, giả dối giả nai, liều mình rước thánh thể khi mang trong mình đầy tội lỗi, giao dịch với kẻ xấu, phản bội và cuối cùng tuyệt vọng đi thắt cổ.
Qua tường thuật Tin Mừng, chúng ta dễ nhận thấy nơi con người và sự phản bội của Giuđa phản ảnh nhiều thực trạng của nhiều Kitô hữu chúng ta hôm nay:
Giuđa không ngần ngại bán Thầy để được 30 đồng (bằng giá của một nô lệ), như thế ông thực ra chỉ là nô lệ cho “thần tiền” chứ không phải môn đệ của Chúa Giêsu.
Cũng không thiếu những người mang danh kitô hữu – theo Chúa, nhưng thực chất chỉ vì quyền lợi, và sẵn sàng phản bội Chúa, bán rẻ lương tâm, chối bỏ Giáo Hội để giữ cái ghế, giữ cái nghề nghiệp, giữ lương bổng…
Giuđa dù biết mình bất xứng và được Chúa lưu ý, nhưng vẫn liều mình rước Thánh Thể (phạm thánh) để che mắt các đồng môn, rồi ra khỏi bàn tiệc thánh, ông quyết tâm đi làm điều mờ ám tội lỗi.
Không ít Kitô hữu chúng ta tuy sống trong tội, nhưng liều mình rước lễ để che mắt mọi người, rồi ra khỏi nhà thờ lại tiếp tục công việc mờ ám, gian lận và bán rẻ tha nhân…
Các viết của Tin Mừng thứ IV thật thâm thúy: "Giu-đa ra đi, trời đã tối". Vâng, mang trong mình sự toan tính, tham lam, tham lợi cho riêng mình, lừa thầy phản bạn, Giu-đa bắt đầu bước vào bóng tối của sự lén lút mờ ám, ông bỏ giờ hát Thánh vịnh chung với Thầy và đồng môn, bỏ sinh hoạt ăn uống chung, và cuối cùng, ông đã mất luôn ơn gọi Tông đồ và mất luôn đức tin. Đó là thực trạng của những người, tham lam mờ ám, hành động lén lút trong bóng tối, đâm sau lưng và bán đứng nhau chỉ vì đồng tiền. cuối cùng, họ càng ngày càng loại mình ra ngoài cộng đoàn, ra khỏi Giáo hội, đánh mất cả ơn gọi và mất đời sống đức tin...
Giuđa tách mình ra khỏi Chúa Giêsu, tách mình ra khỏi bàn tiệc Thánh, tách mình ra khỏi Nhóm Mười Hai để ra đi theo sự xúi giục của phường gian ác.
Thời nào cũng có những tín hữu tự tách mình ra khỏi tình yêu Chúa Giêsu, bỏ tham dự thánh lễ, bỏ cộng đoàn (giáo xứ), bỏ Giáo Hội để chạy theo những quyến rũ của thế gian xác thịt và sự lầm lạc.
Ngược lại với tình yêu là sự phản bội. Tình yêu Chúa Giêsu đã tìm mọi cách kéo Giuđa ở lại để bước theo con đường của Người, nhưng ông đã ra đi theo kế hoạch của riêng mình.
Có những người mang danh Công Giáo nhưng không muốn hi sinh theo con đường thập giá, không nghe lời mời gọi của Chúa và Giáo Hội qua Lời Chúa và lời nhắn nhủ của các chủ chăn, nhưng muốn sống theo ý riêng mình và theo con đường toan tính của mình.
“Được Chúa thì được tất thảy, mất Chúa thì mất sạch tay”. Cuối cùng Giuđa vỡ mộng và tuyệt vọng rồi tìm đến cái chết.
Khi chúng ta đã mất ơn nghĩa với Chúa vì lo chạy theo vật chất, thì đích đến của chúng ta là mất linh hồn…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng vì lợi lộc thế gian mà phản bội Chúa, bán rẻ lương tâm và bán rẻ tha nhân. Amen.